Đối với những người mới bắt đầu kinh doanh, thị trường ngách có thể là cơ hội tuyệt vời để cạnh tranh với các doanh nghiệp lớn hơn, nhưng cũng tiềm ẩn không ít thách thức. Hãy cùng AMAI Agency đi sâu vào tìm hiểu về chủ đề thị trường ngách trong bài viết dưới đây nhé!
Nội dung chính
Toggle1. Thị trường ngách là gì?
Thị trường ngách (Niche Market) là một phân khúc đặc biệt trong một thị trường lớn hơn, được xác định bởi những nhu cầu hoặc sở thích riêng biệt của khách hàng. Ví dụ, trong thị trường giày nữ, có các thị trường ngách như giày thân thiện với môi trường, giày chỉnh hình hoặc giày dành cho đi bộ đường dài. Những thị trường này này yêu cầu những sản phẩm có đặc điểm cụ thể khác biệt so với thị trường chung.
Một ví dụ thực tế khác về thị trường ngách là Pixie Faire. Họ cung cấp thiết kế và hỗ trợ khách hàng tự may quần áo cho búp bê của họ, đồng thời cung cấp nền tảng để bán những sản phẩm này. Hoạt động này đặc biệt phù hợp với những người yêu thích sưu tập búp bê và người muốn tự tay làm quần áo cho búp bê của mình. Mặc dù thị trường ngách này khó có thể tìm được nhiều khách hàng, nhưng Pixie Faire đã đạt được thành công đáng kinh ngạc!
Từ những ví dụ này, chúng ta có thể thấy rằng việc khai thác thị trường ngách sẽ gặp khó khăn để tạo ra lợi nhuận ban đầu. Tuy nhiên, một cách để vượt qua thách thức này là dành thời gian hiểu rõ đối tượng khách hàng của bạn và đầu tư vào việc tiếp cận họ trên mọi nền tảng có thể. Bán hàng và làm Marketing thị trường ngách có thể khó, nhưng không phải là không thể.
2. Làm thế nào để xác định được thị trường ngách?
Gần như mọi thị trường đều có thể được tinh chỉnh hoặc phân chia nhỏ hơn dựa trên nhu cầu và sở thích cụ thể của nhóm khách hàng trong đó. Thông thường, để xác định một thị trường ngách, nhiều doanh nghiệp dựa trên những yếu tố sau đây để phân đoạn:
- Giá (Price): Từ sản phẩm sang trọng, vừa phải đến sản phẩm giảm giá.
- Nhân khẩu học (Demographics): Bao gồm giới tính, độ tuổi, mức thu nhập, trình độ học vấn.
- Chất lượng (Quality): Sản phẩm cao cấp, thủ công, tiết kiệm.
- Tâm lý học (Psychographics): Giá trị, sở thích, thái độ của khách hàng.
- Địa lý (Geographic): Phục vụ cho cư dân trong một quốc gia, thành phố hoặc khu vực cụ thể.
3. Thị trường ngách mang đến những lợi ích và rủi ro gì?
3.1 Lợi ích khi làm Marketing thị trường ngách
- Tránh cạnh tranh trực tiếp với thương hiệu lớn: Thị trường ngách thường không thu hút sự quan tâm của các thương hiệu lớn vì lợi nhuận thu về thường không đáng kể so với thị trường lớn hơn. Đối với những nhu cầu cụ thể hơn của người dùng, số lượng doanh nghiệp có khả năng đáp ứng càng ít đi. Do đó, đây có thể là cơ hội phát triển cho các doanh nghiệp nhỏ, các doanh nghiệp mới với tài nguyên hạn chế và khả năng cạnh tranh không mạnh mẽ.
- Xây dựng mối quan hệ chặt chẽ với khách hàng: Khi tập trung vào một nhóm nhỏ khách hàng, Marketers sẽ có nhiều thời gian hơn để nghiên cứu thói quen, sở thích, hành vi và mong muốn của họ. Việc hiểu sâu sắc về khách hàng là cơ sở để cải thiện chất lượng sản phẩm/ dịch vụ, từ đó làm tăng lòng trung thành của họ với thương hiệu. Lựa chọn thị trường ngách và cung cấp những giá trị sản phẩm độc đáo giúp thương hiệu thu hút sự quan tâm và lòng tin của người tiêu dùng trong thị trường đó.
- Lợi nhuận thu về cao hơn: Với các sản phẩm đặc thù và không có nhiều đối thủ, doanh nghiệp có nhiều tự do hơn trong việc đưa ra quyết định về giá cả mà không bị ảnh hưởng bởi các yếu tố bên ngoài. Khách hàng trong thị trường ngách thường sẵn lòng chi trả mức giá cao hơn cho các doanh nghiệp hiểu rõ và chuyên sâu trong việc đáp ứng nhu cầu của họ.
- Marketing truyền miệng: Hình thức Marketing này khá phổ biến hơn trong thị trường ngách, bởi vì khách hàng thường phải dựa vào nhau để đưa ra quyết định mua do thông tin về sản phẩm và nơi cung cấp khá khó tìm. Do đó, Marketers không cần phải dành quá nhiều nỗ lực để quảng bá thương hiệu mà vẫn có thể “tiếng lành đồn xa” trong cộng đồng.
- Trở thành chuyên gia trong chính thị trường đó: Khi tương tác thường xuyên và gần gũi với khách hàng trong thị trường ngách, thương hiệu có thể hiểu sâu hơn về đặc điểm của thị trường và sản phẩm/ dịch vụ; từ đó, nâng cao mức độ uy tín của mình trong lĩnh vực. Ví dụ, một thương hiệu chuyên về quần áo cho trẻ sơ sinh thường nhận được nhiều sự ủng hộ hơn so với thương hiệu quần áo người lớn cũng có bán đồ cho trẻ em.
3.2 Rủi ro khi làm Marketing thị trường ngách
- Khả năng tăng trưởng bị hạn chế: Đặc điểm của thị trường ngách là quy mô nhỏ, hẹp với các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh cụ thể và tập trung vào một nhóm khách hàng nhất định. Do đó, doanh nghiệp sẽ không có nhiều khả năng tăng trưởng so với các doanh nghiệp hướng đến thị trường lớn.
- Khó khăn khi tìm kiếm khách hàng: Do thị trường ngách phục vụ cho một nhóm khách hàng nhỏ, việc tìm kiếm và tiếp cận đúng đối tượng mục tiêu trở nên khó khăn hơn. Vì vậy, doanh nghiệp cần hiểu sâu về tệp khách hàng mục tiêu để áp dụng chiến lược Marketing hiệu quả, phát triển các giải pháp phù hợp với nhu cầu và vấn đề của khách hàng.
- Cường độ cạnh tranh cao: Mặc dù thị trường ngách có ít đối thủ hơn so với thị trường mass, nhưng sự cạnh tranh vẫn tồn tại. Một thị trường ngách hứa hẹn sẽ thu hút nhiều doanh nghiệp có thể cùng chọn lựa. Mặc dù cạnh tranh có thể không ác liệt như trong thị trường lớn, nhưng nếu có quá nhiều đối thủ trong một phân khúc nhỏ, việc kinh doanh của doanh nghiệp sẽ phải đối mặt với những thách thức đáng kể.
4. Một số điều cần lưu ý khi khai thác thị trường ngách
Khai thác thị trường ngách là một chiến lược kinh doanh tiềm năng, giúp doanh nghiệp hạn chế sự cạnh tranh và tập trung vào việc đáp ứng nhu cầu của một nhóm khách hàng cụ thể. Tuy nhiên, để thành công, doanh nghiệp cần lưu ý một số vấn đề sau:
- Tiềm năng phát triển của thị trường: Doanh nghiệp cần nghiên cứu kỹ khả năng phát triển của thị trường ngách dựa trên các tiêu chí như quy mô hiện tại và tiềm năng tăng trưởng trong tương lai. Điều này giúp doanh nghiệp đánh giá khả năng mở rộng, phát triển sản phẩm/dịch vụ, và tìm ra cơ hội cạnh tranh trong thị trường này.
- Đối thủ cạnh tranh: Nếu doanh nghiệp có đủ tài chính và thời gian, muốn thử sức với một lĩnh vực hoàn toàn mới, bạn có thể bắt đầu ở thị trường không có đối thủ. Nếu bạn muốn có sự an toàn trong quyết định đầu tư, hãy chọn thị trường ngách với mức độ cạnh tranh vừa phải, đã có những người thành công nhưng vẫn còn cơ hội phát triển chưa được khai thác hết cho doanh nghiệp mới.
- Khả năng tiếp cận với khách hàng tiềm năng: Điều này liên quan đến việc doanh nghiệp có thể tiếp cận và tương tác với đúng đối tượng khách hàng mục tiêu hay không. Đôi khi, việc tiếp cận khách hàng trong thị trường ngách có thể khó khăn hơn do quy mô nhỏ và đặc thù của thị trường. Vì vậy, doanh nghiệp hãy khai thác về những kênh social mà khách hàng thường sử dụng, cơ hội tiếp cận online/ offline, hay mối quan hệ của doanh nghiệp với thị trường, v.v.
- “Ngách” của thị trường: Thị trường ngách mà bạn nhắm đến đã đủ “ngách” để khác biệt với số đông và dễ xây dựng uy tín không? Ví dụ, bạn có thể thu hẹp thị trường thú cưng đến việc chăm sóc cho loại cún cưng nào đó như husky hay corgi. Điều này giúp bạn tập trung hơn và cung cấp dịch vụ/sản phẩm có tính đặc thù, tăng khả năng thu hút sự chú ý từ đối tượng mục tiêu cụ thể.
5. Lời kết
Tóm lại, với sự nghiên cứu kỹ lưỡng và có chiến lược kinh doanh phù hợp, doanh nghiệp có thể tận dụng cơ hội và vượt qua thách thức để thành công trong thị trường ngách. Nếu muốn bỏ túi thêm nhiều kiến thức Marketing bổ ích khác, bạn đọc hãy truy cập website amaiagency.com để tìm hiểu thêm nhé!