Trong thế giới Marketing, các doanh nghiệp luôn tìm kiếm những cách thức mới mẻ để thu hút và thuyết phục khách hàng. Một trong những chiêu thức được sử dụng phổ biến là hiệu ứng chân lý ảo tưởng. Vậy đây là hiệu ứng gì và được sử dụng ra sao, cùng AMAI Agency tìm hiểu nhé!
Nội dung chính
Toggle1. Thế nào là hiệu ứng chân lý ảo tưởng?
Hiệu ứng chân lý ảo tưởng (Illusory Truth Effect) đề cập đến xu hướng con người tin rằng một tuyên bố hoặc một mẩu thông tin là đúng sau khi tiếp xúc với nó nhiều lần. Nói cách khác, nếu nghe hoặc đọc một điều gì đó nhiều lần, chúng ta sẽ có nhiều khả năng tin tưởng vào nó hơn, ngay cả khi nó đi ngược lại với kiến thức trước đây của chúng ta.
Khái niệm này lần đầu tiên xuất hiện trong một bài báo năm 1977 của các nhà tâm lý học Lynn Hasher, David Goldstein và Thomas Toppino. Trong nghiên cứu của họ, các sinh viên đại học được yêu cầu đánh giá tính đúng sai của một số mệnh đề mà họ chưa từng đến nghe đến hoặc không có kiến thức gì về chúng.
Một số mệnh đề được lặp lại trong vài buổi nghiên cứu, trong khi các mệnh đề khác không được lặp lại. Kết quả, có nhiều sinh viên đã cho rằng một tuyên bố là chính xác nếu họ đã được tiếp xúc với nó nhiều lần, điều này chứng tỏ rằng sự lặp lại, hay hiệu ứng chân lý ảo tưởng có thể ảnh hưởng đến nhận thức của con người về tính trung thực.
2. Vì sao hiệu ứng chân lý ảo tưởng xảy ra?
Nhận thức và trải nghiệm về thế giới xung quanh liên tục cung cấp cho chúng ta một lượng thông tin khổng lồ, chưa kể đến những ứng dụng mạng xã hội hiện hành. Đối mặt với sự quá tải thông tin này, con người không đủ năng lực tinh thần (Mental capacity) để xử lý mọi thứ một cách chuyên sâu. Thay vào đó, chúng ta sẽ dựa vào phương pháp suy nghiệm (Heuristic method) để đơn giản hóa quá trình ra quyết định của mình.
Một trong những cách mà bộ não bù đắp cho những nguồn lực nhận thức hạn chế của con người là xử lý mọi thứ ở mức độ đơn giản, về cơ bản là tự động hóa bất cứ khi nào có thể. Khả năng xử lý thông tin trôi chảy thể hiện thiên hướng của con người trong việc đưa ra quyết định trực quan hơn, hạn chế căng thẳng cho các vấn đề phức tạp đòi hỏi phải phân tích sâu hơn.
Giáo sư tâm lý học và kinh tế học hành vi tại Đại học Duke (Mỹ), Dan Ariely, cho biết: Khi bạn nghe thấy điều gì đó nhiều lần, các lối mòn thần kinh (Neural pathways) sẽ hoạt động nhanh hơn, và bộ não sẽ diễn giải lại những thông tin này nhanh chóng hơn là quá trình nhận thức thông tin quen thuộc và có tính chính xác hơn. Đây chính là cách hiệu ứng chân lý ảo tưởng hoạt động.
3. Hiệu ứng chân lý ảo tưởng ảnh hưởng như thế nào đến hoạt động kinh doanh?
Các nhà quảng cáo có thể tận dụng hiệu ứng chân lý ảo tưởng bằng cách lặp lại thông điệp trên nhiều nền tảng và phương tiện truyền thông khác nhau. Ngay cả khi khách hàng có sự nghi ngờ về tính chân thực của một tuyên bố, việc tiếp xúc thường xuyên và lặp lại có thể làm cho tuyên bố đó trở nên đáng tin cậy hơn.
Ví dụ, một ứng dụng luyện tập thể dục liên tục khẳng định mình là “Ứng dụng tập luyện hiệu quả nhất” có thể làm cho người dùng bắt đầu tin vào điều đó, đơn giản là vì họ đã nghe thấy tuyên bố này nhiều lần trước đây.
Bên cạnh đó, hiệu ứng chân lý ảo tưởng là xu hướng nhìn nhận mọi thứ một cách tích cực hoặc trung thực hơn khi chúng ta tiếp xúc với chúng thường xuyên. Các chiến dịch quảng cáo thường được xây dựng dựa trên yếu tố này nhằm tạo nhận diện thương hiệu và thúc đẩy niềm tin của khách hàng vào sản phẩm/ dịch vụ.
Ngoài ra, với sự phát triển không ngừng của Facebook, Instagram hay TikTok, các nền tảng này cung cấp điều kiện lý tưởng để doanh nghiệp có thể khiến nhận thức của khách hàng về những thông điệp truyền thông được lặp đi lặp lại là chính xác. Những thông tin sai sự thật rất dễ lan truyền, được nhiều người chú ý và cuối cùng trở thành niềm tin ăn sâu vào những người thường xuyên gặp phải chúng.
3. Ví dụ của hiệu ứng chân lý ảo tưởng trong thực tế
Việc lặp đi lặp lại một thông điệp hay tin tức đang ngày càng trở nên phổ biến vì hiệu ứng chân lý ảo tưởng có ảnh hưởng lớn đến các quyết định quan trọng trong cuộc sống hàng ngày của mỗi người, đặc biệt là trong chính trị và các vấn đề liên quan đến tin tức giả. Ví dụ, trong chiến dịch bầu cử Tổng thống Hoa Kỳ 2016, Donald Trump tuyên bố 86 lần rằng việc xây dựng bức tường biên giới ngăn cách giữa Hoa Kỳ và Mexico đã bắt đầu. Mặc dù thông tin này là sai sự thật, nhưng nghiên cứu cho thấy mỗi lần tuyên bố này được lặp lại, người ta càng tin rằng nó là đúng hơn.
Bên cạnh chính trị và tin tức giả, quảng cáo cũng là lĩnh vực thường xuyên sử dụng hiệu ứng chân lý ảo tưởng. Một chiến lược phổ biến được nhiều doanh nghiệp áp dụng hiện nay là lặp lại một số thông điệp quảng cáo để khách hàng nhớ đến sản phẩm. Ví dụ, thông điệp “Sản phẩm A có lợi cho sự phát triển toàn diện của trẻ nhỏ” được lặp đi lặp lại để tạo ấn tượng cho khách hàng. Mặc dù chúng ta có quyền phản đối và kiểm chứng lại thông tin, nhưng trong khoảng thời gian mà chúng ta tiếp xúc với thông điệp này, lý trí có thể bị ảnh hưởng một cách nhất định.
Rất nhiều doanh nghiệp đã thành công khi áp dụng hiệu ứng chân lý ảo tưởng này để trở thành top-of-mind trong tâm trí khách hàng, khiến họ ghi nhớ sản phẩm nhanh nhất và ấn tượng nhất. Ví dụ, với câu hỏi “Máy lọc nước hàng đầu tại Việt Nam là loại nào?”, hẳn chúng ta sẽ nghĩ đến ngay thương hiệu Kangaroo, hay “Khi nóng tróng người và căng thẳng, uống loại trà nào là tốt nhất?” sẽ là Trà Xanh Không Độ. Vận dụng hiệu ứng chân lý ảo tưởng một cách linh hoạt sẽ giúp sản phẩm của doanh nghiệp ghi đậm dấu ấn trong lòng khách hàng.
Hy vọng bài viết này của AMAI Agency đã giúp bạn nắm vững được khái niệm cũng như những ví dụ thực tế của chiêu thức hiệu ứng chân lý ảo tưởng này. Đừng quên truy cập website amaiagency.com để tìm hiểu thêm nhiều cách làm Marketing hấp dẫn khác bạn nhé!